Diễn Đàn Họ Đặng Việt Nam, Ho Dang Viet Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Các dòng họ Viêt Nam và họ Đặng đất Phương Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc ta

Go down

Các dòng họ Viêt Nam và họ Đặng đất Phương Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc ta Empty Các dòng họ Viêt Nam và họ Đặng đất Phương Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc ta

Bài gửi by hodangvietnam Thu Jul 06, 2017 6:37 pm

Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn
(Ca dao)
Trong quá trình phát triển của dân tộc ta, dòng họ xuất hiện từ lâu đời. Ngay từ thời đại Hùng Vương dựng nước, theo các truyền thuyết, thần tích còn lưu truyền lại, ta thấy thời ấy đã từng xuất hiện những dòng họ như sau:
-Họ Nguyễn: Họ của Nguyễn Tuấn, tức Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thánh.
-Họ Trần: Họ của Trần Giới, Trần Hà, hai vị tướng của vua Hùng
-Họ Phan: Họ của Phan Tây Nhạc, một tướng của vua Hùng.
-Họ Lý: Họ của Lý Tiến, một tướng đánh giặc Ân trước Thánh Gióng.
-Họ Mai: Họ của Mai An Tiêm, trong sự tích Quả dưa đỏ.
-Họ Đinh: Họ của bà Đinh Thị Đen, mẹ của Tản Viên và họ của ông Đinh Thiên Tích, một tướng của vua Hùng
-Họ Đặng: Họ của tướng Đặng Công Oánh, một tướng của vua Hùng đánh giặc Ân
-Họ Bùi: Họ của Bùi Đình Chấn, một tướng của vua Hùng
-Họ Cao: Họ của Cao Lỗ, một tướng của An Dương Vương
v.v…Và còn nhiều nữa
Những họ này ngày nay vẫn còn phổ biến, chiếm phần lớn cư dân nước ta. Cho đến hiện nay, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có đến hàng trăm họ (Theo một tài liệu thống kê, có đến 964 họ). Trăm họ liên kết với nhau trong một cộng đồng có cùng phong tục, tập quán, cùng một nền văn hóa, nhưng mỗi họ có một đặc thù, một truyền thống riêng. Trong quá trình phát triển của lịch sử, có những cá nhân trong dòng họ, vì một lý do nào đó, di cư đến một vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Con cháu về sau sinh sôi phát triển thành một dòng họ đông đúc. Người đầu tiên đi mở đất đó trở thành ông tổ khai cơ của dòng họ. Dù đi đến đâu thì người ta cũng không quên ghi vào gia phả gốc tích của mình. Ngày nay, đã có những dòng họ cách xa nhau hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số mà thông qua sự ghi chép còn giữ lại được trong gia phả, tộc phả, con cháu đã tìm về được cội nguồn của mình. Có những cuộc hành trình vấn tổ tầm tông nhận họ, nhận hàng của những con cháu cách xa nhau hàng ngàn cây số diễn ra thật cảm động.
Người đầu tiên lập nên một dòng họ gọi là ông Tổ. Ông tổ đầu tiên gọi là thủy tổ, ông tổ xa đời gọi là viễn tổ. Từ ông tổ đầu tiên mà hình thành các chi, các nhánh. Tùy theo số con trai của vị tổ đầu tiên mà có các chi Giáp, chi Ất, chi Bính , chi Đinh.v.v.. Cuốn sách ghi lịch sử của dòng họ gọi là tộc phả hoặc gia phả. Nhà thờ họ gọi là từ đường. Tộc phả để trong từ đường, do người tộc trưởng trông coi. Tộc trưởng là người con cả của dòng trưởng, có nhiệm vụ điều hành hoạt động của dòng họ trong việc thờ phụng tổ tiên. Ở những dòng họ lớn, người ta còn bầu ra một Hội đồng gia tộc để giúp việc tộc trưởng. Ngày nay người ta còn bầu ra các Ban liên lạc để điều hành hoạt động của dòng họ tại các tỉnh, thành hay trên toàn quốc.
Tộc phả là tư liệu ghi chép truyền đời của một dòng họ. Ở đó con cháu thấy được lịch sử của dòng họ mình, công lao khai sơn, phá thạch gây dựng cơ nghiệp cũng như truyền thống học hành đỗ đạt (nếu có) của tổ tiên xưa. Nhờ có tộc phả mà quan hệ thế thứ trong dòng họ không bị lẫn lộn. Mỗi đời con cháu sinh sôi nẩy nở, tộc phả lại được bổ sung. Do các điều kiện khách quan như chiến tranh, lũ lụt, hỏa hoạn mà không thể bảo quản tộc phả được lâu dài như mong muốn. Hiện nay, đa số các tộc phả còn ghi lại được khoảng 10 – 15 đời (tức khoảng 250 -300 năm). Nghiên cứu tộc phả, các nhà sử học tìm thấy rất nhiều tư liệu có giá trị bổ sung cho chính sử, nhất là tộc phả của các dòng họ công thần các đời.
Hàng năm, các thành viên trong dòng họ có một ngày giỗ họ (nhiều nơi gọi là chạp họ) để tập trung lại với nhau. Ngày giỗ họ thường là ngày mất của cụ tổ khai sinh ra cả dòng họ. Nhưng cũng có nhiều nơi, không ghi lại được ngày mất của cụ tổ thì ngày giỗ họ được quy định vào một ngày cố định nào đó trong năm, ví dụ như ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7 hay rằm tháng chạp âm lịch. Giỗ họ là dịp con cháu ngồi lại với nhau, ôn lại công đức, truyền thống của tổ tiên, hướng về cội nguồn sâu xa tốt đẹp. Đây là dịp các thành viên xích lại gần nhau hơn trong tình ruột thịt, trong quan hệ huyết thống. Những năm gần đây, nhiều dòng họ đã đưa vào những nội dung mới trong sinh hoạt dòng họ như tuyên truyền nếp sống văn minh, giúp đỡ lẫn nhau, lập quỹ khuyến học, biểu dương và phổ biến kinh nghiệm của những tấm gương nghèo mà vượt khó vươn lên làm giàu .v.v… của con em trong họ.
Nhiều gia đình có quan hệ huyết thống liên kết lại thành dòng họ. Nhiều dòng họ kết hợp lại thành một dân tộc. Nếu suy ngẫm về lẽ sâu xa trong cội nguồn lịch sử thì các dòng họ của chúng ta đều có cùng một gốc. Đó là từ một bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ mà ra. Dòng họ, đó là cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, giữa quá khứ và hiện tại, là sợi dây liên kết máu thịt, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta !
*
Trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta, họ Đặng cùng nhiều dòng họ khác trên dải đất hình chữ S này đã cùng nhau xây dựng Tổ quốc Việt Nam ta ngày càng phát triển hưng thịnh. Họ Đặng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước với tướng quân Đặng Công Oánh chống giặc Ân, hiện còn đền thờ tại Gia Lương, Bắc Ninh. Thời Hai Bà Trưng có Đặng Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, từng nổi lên chống Tô Định và bị Tô Định sát hại. Thời nhà Đinh có Đặng Châu, một tướng của vua Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Bà Đặng Thị Sen là thân mẫu vua Lê Đại Hành….
Các vị tiền nhân họ Đặng nêu trên đã quá lâu đời nên không còn tra cứu được di duệ. Vì vậy, cụ Đặng Cương Nghị (1128 – 1223), hiệu là Phúc Mãn, sống vào thời Lý, được coi là tiên tổ của họ Đặng Việt Nam. Vì có công, cụ  được ban lộc điền ở An Để, xã Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình. Cháu cụ Phúc Mãn là Đặng Nghiêm, đỗ Minh kinh bác học (như học vị Tiến sĩ sau này) vào năm 1185 thời Lý Cao Tông, làm quan đến chức Công Bộ Thị lang. Từ đó trở đi, họ Đặng cung cấp cho đất nước nhiều danh nhân, danh thần, không đời nào thiếu. Thời Trần có Thần đồng Đặng Ma La, đỗ Thám hoa từ năm 14 tuổi (thi đỗ năm 1247,cùng khoa với Trạng nguyên Nguyễn Hiền, 12 tuổi). Đó là 2 vị đỗ đạt trẻ nhất của nước ta. Thời Trần còn có Đặng Lộ, nhà Thiên văn học đã sáng chế ra Linh Lung nghi để quan trắc khí tượng. Thời Hậu Trần có Đặng Tất, Đặng Dung, là những vị công thần nổi tiếng. Thời Lê có Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm…
Lịch sử dân tộc ta là lịch sử hàng ngàn năm mở nước. Từ thuở Vua Hùng dựng nước, đất nước ta mới chỉ tới Cửa Sót (nơi có núi Nam Giới, tức biên giới phía nam, nay thuộc Hà Tĩnh), sau tới Đèo Ngang (nay cũng thuộc Hà Tĩnh). Phía Nam đã là nước Chiêm Thành (thời ấy gọi là nước Hồ Tôn). Năm 1069, Lý Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành, lấy được 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, tức là đất Quảng Bình ngày nay. Năm 1306 , vua Chiêm là Chế Mân dâng hai châu là châu Ô, châu Lý làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Châu Ô, châu Lý sau đổi thành Châu Thuận, Châu Hóa, tức vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay. Năm 1402, Hồ Quý Ly đem quân đánh Chiêm Thành, chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy, tức vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi . Năm 1470 – 1471, do quân Chiêm gây rối vùng biên giới, vua Lê Thánh Tông đích thân đem quân đi đánh dẹp, hạ được thành Thị Nại, thành Chà Bàn (hay Đồ Bàn), tức vùng đất Bình Định ngày nay. Như vậy, đến đời vua Lê Thánh Tông, biên giới Đại Việt đã mở đến đèo Cù Mông, ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên .
Công lao mở mang cõi bờ đất nước đời nào cũng có. Nhưng công lao lớn nhất trong việc mở mang bờ cõi, chúng ta phải tri ân các chúa Nguyễn. Trịnh – Nguyễn phân tranh, tạo ra một cục diện chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhân dân cực khổ, đáng lên án. Thế nhưng, cũng do sự chia cắt đó, do nhu cầu mở mang bờ cõi, củng cố thế lực để đương đầu với chúa Trịnh ở phía Bắc, mà các chúa Nguyễn, từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, cho đến các đời chúa nối nghiệp về sau đều lo mở mang bờ cõi (1). Cho đến năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, Gia Định thì một giải đất từ bờ nam sông Gianh cho đến vùng đồng bằng Nam Bộ ngày nay đã trở thành đất đai cương thổ của Tổ quốc ta. Cho đến đời vua Minh Mạng, vào năm 1838, với việc công bố Đại Nam nhất thống toàn đồ, đất nước ta Bắc Nam liền một giải, từ mục Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu, kể cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi ngoài Biển Đông, đều thuộc cương vực, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc ta, đều do chúng ta khai thác, quản lý. Từ trong lịch sử xa xôi  cho đến lúc bấy giờ, và cả sau này nữa, lãnh thổ  nước ta chưa bao giờ toàn vẹn được như thế, rộng lớn được như thế. Vì vậy, khi nhắc đến công lao mở mang bờ cõi, không thể không nhắc đến 9 đời chúa và  các vị vua mở đầu triều Nguyễn (2) !
Trong công lao mở cõi đó có đóng góp của nhiều dòng họ, trong đó có những tiền nhân họ Đặng. Có thể kể một số danh nhân tiêu biểu:
Đặng Đại Độ (1728 – 1765). Ông là danh thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, quê ở làng Cư Triền, huyện Đăng Phong, phủ Quảng Bình (nay là làng Quảng Cư, thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình). Ông sinh trưởng trong một gia đình học hành, đỗ đạt. Cả cha con, anh em đều làm quan đồng triều. Trong đó cha ông là Tuy Lộc hầu Đặng Đại Lược cũng là một vị quan nổi tiếng. Đặng Đại Độ làm quan ngay thẳng, công minh, những kẻ cậy quyền cậy thế, ức hiếp dân lành, ông thẳng tay trừng trị, cương quyết không tha, dù kẻ đó là tay chân của chúa. Vì vậy, ông được dân tin yêu, được chúa vì nể. Đặng Đại Độ mất sớm, lúc mới 37 tuổi. Lăng mộ ông nay ở xã Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Đặng Nhân Cẩm (1744 – ?) Thủy sư Đô đốc. Ông quê gốc ở xã Uy Viễn, tổng Phan Xá, huyện Nha Nghi, phủ Đức Quang (nay là xã Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông là cháu xa đời của Quốc công Đặng Tất (1357 – 1409). Được sung vào đội thủy binh dưới thời chúa Trịnh. Sau khi thi đỗ Tam trường, ông cùng em là Đặng Nhân Cầm tìm đường vào nam, đi theo chúa Nguyễn Ánh, được trọng dụng, được phong là Thủy sư Đô đốc. Sau khi đất nước thái bình, ông không về quê mà ở lại mộ dân, khai khẩn đất đai, lập cơ nghiệp trên vùng đất mới. Ông lập nên cả một dòng họ lớn ở phương Nam. Phần mộ ông hiện nay ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Các dòng họ Viêt Nam và họ Đặng đất Phương Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc ta Namphuonglinhtunhintubentrongcopycopy_djgaGần đây, con cháu họ Đặng mà trực tiếp là Doanh nhân Đặng Phước Thành, hậu duệ trực hệ của Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm mới xây dựng một quần thể kiến trúc văn hóa – tâm linh để thờ phụng tổ tiên và những người có công lớn khai mở đất Phương Nam. Đó là Nam Phương Linh từ và Đặng tộc Nam Phương linh từ.
Đặng Đức Siêu (1751 – 1810), quê tại làng Phụng Cang huyện Bồng Sơn (nay thuộc xã Hoài Xuân, Hoài Nhơn, Bình Định). Ông 16 tuổi đỗ Cử nhân, được bổ làm quan tại Viện Hàn lâm, dưới đời chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Chúa Nguyễn Phúc Thuần thua chạy vào Nam, ông về ở ẩn. Chúa Trịnh và nhà Tây Sơn nghe danh, cho người đến mời ông ra làm quan nhưng ông không nhận. Tháng 10 Mậu Ngọ (1798) ông chạy vào Gia Định giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sử nhà Nguyễn ghi về ông:  “Lấy cựu Hàn lâm Đặng Đức Siêu làm Tham mưu Trung dinh. Siêu là người văn học súc tích, gặp loạn đi ở ẩn. Giặc Tây Sơn thấy là danh sĩ, vời ra không đến. Năm Tân Hợi, vua thấy Siêu là cựu thần, mật sai người đến triệu. Đến đây, Siêu lẻn vào Gia Định , hiến phương lược đánh Tây Sơn. Vua khen nhận, bèn trao cho chức này. Từ đó Siêu thường theo vua ở chốn binh nhung, dự mưu cơ mật, ngày càng được vua yêu” (trích Đại Nam thực luc chính biên, quyển X, Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế)
Đặng Trần Thường (1759 – 1816), công thần khai quốc nhà Nguyễn. Ông đậu sinh đồ thời Lê. Năm 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu. Ông và một số người có chí hướng tôn Lê, dấy binh chống lại Tây Sơn nhưng thất bại. Năm 1793, ông tìm vào Gia Định, phục vụ dưới cờ của chúa Nguyễn Phúc Ánh, có nhiều công lao, được phong đến chức Tán lý. Năm 1802, Gia Long bình định được thiên hạ, ông được trao chức Hiệp trấn Bắc Thành. Sau về Kinh làm Binh bộ Thượng thư. Sau vì can tội lập điển lễ thờ Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc (danh tướng thời Lê – Trịnh) nên bị mất chức, sau đó bị xử tội giảo.
Giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm xưa nay vẫn lưu truyền một giai thoại văn học. Giai thoại kể rằng, Đặng Trần Thường trước đây vì muốn theo Tây Sơn nhưng bị Ngô Thì Nhậm khinh thường, không nhận, nên đem lòng oán hận. Năm 1802, khi vua Gia Long đã bình được thiên hạ, liền đem các vị Tiến sĩ đã theo nhà Tây Sơn ra trước sân Văn Miếu đánh đòn để làm nhục. Đặng Trần Thường nhân cơ hội đó, đã ra một vế đối : “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm liền đối lại :Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế”. Đặng Trần Thường tức quá, sai tẩm thuốc độc vào roi, đánh Ngô Thì Nhậm, khi về đến nhà thì chết. Thực ra, giữa Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường, không có tư thù cá nhân gì. Hai ông không cùng quê, không là bạn học để mà ganh tài nhau (Ngô Thì Nhậm hơn Đặng Trần Thường đến 13 tuổi). Trong vế đối của Ngô Thì Nhậm, ông cũng chỉ nói lên hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ “Gặp thời thế thế thời phải thế”, chứ không có ý gì chọc tức đối phương đến nỗi tức giận mà đánh chết. Vì vậy, giai thoại này không có cơ sở, ta chỉ coi nó là một giai thoại đầu lưỡi, kể cho vui mà thôi. Đặng Trần Thường đi theo vua Gia Long, đã được tin cậy được giao phó quyền cao chức trọng (làm đến Thượng thư bộ Binh) thế nhưng ông vẫn có lòng hoài Lê, mặc dù ông chưa một ngày làm quan cho nhà Lê. Bằng cớ là ông đã bí mật xếp Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc vào điển lễ thờ cúng của triều đình. Hoàng Ngũ Phúc là một danh tướng triều Lê mà Gia Long rất ghét (vì đã đem quân đánh chiếm Phú Xuân của nhà Nguyễn vào năm 1774  trước đây, khiến Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Nam). Chính vì vậy mà ông đã bị bắt tội, bị cách chức. Ở đây chúng ta ghi nhận tình cảm quyến luyến với nhà Lê của ông, mặc dù ông không ăn lộc của nhà Lê một ngày nào.
Đặng Thúc Liêng (1867 – 1945). Ông quê ở 18 thôn Vườn Trầu huyện Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc thôn Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh. Đặng Thúc Liêng là nhà báo yêu nước. Ông đã viết nhiều bài báo cổ súy phong trào Duy tân, giới thiệu những tư tưởng dân quyền, bình đẳng của Vôn te, Rut xô, mà ông tiếp thu được qua Tân thư của Trung Quốc, cũng như tư tưởng Duy tân, Cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Qua các bài báo, ông đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào, nhen nhúm tinh thần  yêu nước cho quần chúng. (viết theo Những nhân vật lịch sử đất Phương Nam)
*
Đất đai mở mang đến đâu thì triều đình cử tướng đến trấn giữ, cử quan lại đến cai trị và di dân đến để khai khẩn. Đó chính là lớp cư dân đầu tiên trên vùng đất mới. Dần dần con cháu sinh sôi phát triển mà sinh ra các dòng họ trên vùng đất mới. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, tất cả người Việt ở đất phương Nam đều có gốc Bắc! Có thể gốc Bắc từ 5 đời, 10 đời, thậm chí 15-20 đời, đã là người Việt thì không ai không có gốc Bắc. Lòng hoài bắc, lòng nhớ cội nguồn, tri ân Tổ tiên đã ăn sâu trong máu huyết, trong từng tế bào của những con người đi mở đất.
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Câu thơ này của Vị tướng- Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, làm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mà chúng ta ngỡ như từ lâu lắm rồi, từ thuở Lý -Trần – Lê – Nguyễn nào đó. Bởi vì nó mang hơi thở của cha ông, mang hồn cốt của biết bao thế hệ “mang gươm đi mở cõi” để có non sông gấm vóc ngày nay. Hoài nhớ cội nguồn, tri ân Tổ tiên, cố kết dòng họ là tình cảm là mạch nguồn thiêng liêng sâu nặng trong huyết quản của mỗi một con người. Để thể hiện tình cảm đó, con cháu xây Nhà thờ, Phủ thờ, Từ đường để thờ phụng tổ tiên. Riêng họ Đặng đất Phương Nam, chúng ta có thể kể:
-Nhà thờ Đặng tộc tại Xã Phước Tân, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai
-Nhà thờ họ Đặng tại đường Bàu Cát, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
-Nhà thờ họ Đặng tại Ấp 1 xã Đông Thạnh, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh
-Nhà thờ họ Đặng tại ấp Bàu Sim xã Tân Thông Hội, Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh.
-Nhà thờ họ Đặng tại xã Dĩ An tỉnh Bình Dương.
-Đặng Phủ từ tại thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh
-Nhà thờ họ Đặng tại Long Phụng, Cần Giuộc, Long An
.v.v…Và còn nhiều nữa, không thể kể hết.
Gần đây, con cháu họ Đặng ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp mà tiêu biểu là Doanh nhân Đặng Phước Thành chủ trương xây dựng một quần thể kiến trúc văn hóa, lịch sử – tâm linh lớn là Nam Phương Linh từ và Đặng tộc Nam Phương Linh từ để thờ phụng Tổ tiên họ Đặng và những người có công khai mở giữ gìn và làm rạng danh đất Phương Nam. Đó là một nghĩa cử cao đẹp trong truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam ta.
Xin chúc cho Họ Đặng Việt Nam, họ Đặng đất Phương Nam “Đã mấy ngàn năm cùng giang sơn xã tắc trường tồn…Những anh hùng hiển hách chiến công. Những danh nhân tô đẹp sông núi. Làm rạng danh dòng tộc, làm rạng danh non sông…” như lời bài hát “Đặng tộc Việt Nam ca”, bài ca truyền thống  của họ Đặng, rất khí thế, rất hào hùng mà không phải dòng họ nào cũng có được . / .
                                                                                 Hà Nội tháng 3.2016
PDK
Chú thích:
(1): Trong cuốn sách “Sơ lược tiểu sử Các nhân vật lịch sử có công với đất Phương Nam”, do Nguyễn Hạnh chủ biên (Nxb Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay xuất bản, 2015), theo sự cố vấn của các nhà sử học, các học giả trong nước, có chọn lựa ra 125 nhân vật có công trong việc khai mở đất Phương Nam để thờ tự trong Nam Phương Linh từ, tôi thấy thiếu mất một nhân vật quan trọng nhất. Đó là chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nếu không có ông chọn Hoành Sơn nhất đái để làm đất đứng chân thì làm gì có 9 đời chúa Nguyễn để mà khai mở đất Phương Nam? Vì vậy theo tôi, người đầu tiên được thờ phụng trong Nam Phương Linh từ phải là chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
(2): Có một sự thực mà chúng ta không thể né tránh là thời đại chúng ta để mất đất, mất biển đảo nhiều quá: Mất một nửa thác Bản Giốc, mất cả một dải đất phía nam Mục Nam Quan, mất toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa và mất một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Cứ nghĩ đến là xót xa. Chưa biết đến đời nào mới đòi lại được.
Ảnh trong bài: Nam Phương linh từ và Đặng tộc Nam Phương Linh từ

Nguồn: https://phanduykha.wordpress.com/2016/03/22/cac-dong-ho-viet-nam-va-ho-dang-dat-phuong-nam-trong-tien-trinh-lich-su-dan-toc-ta/

hodangvietnam

Tổng số bài gửi : 47
Join date : 26/02/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết