Diễn Đàn Họ Đặng Việt Nam, Ho Dang Viet Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Truyền thuyết về dòng họ Đặng ở Tân Thịnh

Go down

Truyền thuyết về dòng họ Đặng ở Tân Thịnh Empty Truyền thuyết về dòng họ Đặng ở Tân Thịnh

Bài gửi by hodangvietnam Thu Mar 05, 2020 9:18 am

Tại thôn Phúc Lãm, nay là Tân Tiến, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có một ngôi đền cổ kính đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là đền thờ Đặng Thế Công - nơi thờ phụng, tưởng niệm thủy tổ họ Đặng ở Lạng Giang và hai võ quan Đặng Thế Công, Đặng Thế Lộc có nhiều công lao với dân với nước dưới triều Lê - Trịnh.
Truyền thuyết về dòng họ Đặng ở Tân Thịnh 20180518095657-7
Đền thờ Đặng Thế Công và dòng họ Đặng.
Theo gia phả dòng họ Đặng, thuỷ tổ họ Đặng ở Phúc Lãm là cụ Đặng Quý Công tự Thái Nhạc, cụ bà là Nguyễn Quý Thị hiệu Ngộ Không. Hai cụ vốn quê ở vùng Trúc Sơn, Chương Mỹ (Hà Tây - Hà Nội ngày nay). Cụ Đặng Quý Công sinh con trai là Đặng Chân Tính. Cụ Đặng Chân Tính lấy vợ là Nguyễn Quý Thị hiệu là Từ Tâm sinh được hai con trai là Đặng Thế Công và Đặng Thế Lộc. Do hoàn cảnh khó khăn, cụ ông phải mang hai con lên vùng Kép (Lạng Giang) kiếm sống bằng nghề đóng cối.
Tục truyền rằng, cụ Đặng Chân Tính khi cùng hai con đi đóng cối không may qua đời tại một ngọn đồi. Hai người con liền vào làng xin nơi chôn cất cho cha. Khi vào đến làng thì trời đổ mưa to, gió lớn không ra được. Sớm hôm sau hai con trở lại thì xác cụ Tính đã bị mối đùn, chỉ còn hở hai chân. Dân địa phương cho là cụ đã hoá ở nơi “đắc địa” nên mộ cụ được thiên táng. Địa điểm đó là đồi rừng Nỉ (Lạng Giang). Cụ bà ở quê nhà đi làm đồng giữa trưa bị cảm liền bò lên quả đồi, ngồi tựa vào gốc cây cọ rồi chết. Nơi ấy sau mối đùn và trở thành “đắc địa” khiến cho con cháu sau này phát về đường quan văn, còn mộ cụ ông ở đồi rừng Nỉ, con cháu phát về đường quan võ. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có những dòng ca ngợi họ Đặng: “Hơn hai trăm năm vinh hoa rực rỡ, hơn cả các họ công thần. Tục ngữ có câu: Đánh giặc họ Đàm, làm quan họ Đặng”.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cuộc nội chiến giữa các thế lực vua Lê - Chúa Trịnh với nhà Mạc kéo dài khiến đời sống nhân dân khổ cực. Khi quan quân nhà Lê truy kích nhà Mạc qua Kép- Cần Trạm gặp núi non hiểm trở khó bề tiến quân. Nhà Mạc phản kích, vua Lê ra sắc dụ tuyển mộ dân binh “phù Lê diệt Mạc”. Anh em Đặng Thế Công, Đặng Thế Lộc hưởng ứng ra đầu quân và lập nhiều công lớn.
Năm 1533, khi Lê Trang Tông lên ngôi và khao thưởng những người có công đã phong cho Đặng Thế Công: “Dương vũ uy dũng công thần, Thái bảo trà quận công, mang quốc tính là Trịnh Văn An”. Đặng Thế Lộc: “Dương vũ uy dũng công thần tả đô đốc, thị phủ sự nhai quận công mang quốc tính là Trịnh Văn Lộc”. Đặc biệt, Đặng Thế Lộc không những lập công lớn đánh đuổi nhà Mạc mà còn biết chiêu tập yên dân, đã đem lại niềm vinh hạnh cho dòng họ, nhờ đó mà con cháu sau này nêu gương và đều được trọng dụng trong các triều vua Lê sau. Sang thời Nguyễn, Đặng Thế Lộc còn được ban sắc thờ làm hậu Thần thôn Phúc Lãm. Phát huy truyền thống võ quan, dòng họ Đặng còn có cụ Đặng Trung Thực được triều Nguyễn trọng dụng làm đến chức Đề đốc...
Ghi nhớ công lao của dòng họ Đặng, đặc biệt là Đặng Thế Công và Đặng Thế Lộc, nhân dân địa phương và dòng họ Đặng đã xây dựng ngôi đền thờ phụng tưởng niệm các ông trên quê hương mình. Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ XVI gồm 7 gian lợp ngói, hai bên tả hữu có nhị ban, có tiền sảnh, hậu sảnh, nhà kho để quân lương, xưởng rèn vũ khí. Những năm 80 của thế kỷ XIX, giặc Cờ Đen tràn sang đốt phá làng mạc và tàn phá ngôi đền. Mãi tới năm 1931, dòng họ Đặng mới xây dựng lại ngôi đền trên khu đất an táng cụ tổ Đặng Chân Tính ở đồi rừng Nỉ tiếp nối việc phụng thờ tưởng niệm của cha ông.
Đền thờ hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu chữ nhất gồm 5 gian xây bít đốc, lợp ngói. Đỉnh bờ nóc đắp biển đề chữ Hán: “Đặng Từ đường”. Gian giữa đặt trang nghiêm hương án và hai bài vị đá khắc chữ Hán chìm, trên hương án đặt tượng thờ cụ Đặng Chân Tính và hai con trai là Đặng Thế Công và Đặng Thế Lộc.
Đền thờ Đặng Thế Công lưu giữ nhiều di sản có giá trị lịch sử như sắc phong niên hiệu Long Đức 2 (1630), Chính Hoà thứ 4 (1683), hai bài vị đá, bát hương sứ thời Lê (thế kỷ XVIII), tượng thờ, hương án… Ngôi đền là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi thờ phụng tưởng niệm thuỷ tổ họ Đặng ở Tân Thịnh, võ quan Đặng Thế Công, Đặng Thế Lộc có nhiều công lao với dân với nước. Hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng - giỗ cụ tổ Đặng Chân Tính và 25 tháng 10 giỗ cụ tổ bà Nguyễn Quý Thị, nhân dân địa phương và con cháu dòng họ Đặng tổ chức giỗ tổ mở hội đông vui để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, những người có công với dân với nước. Từ bao đời nay, đền thờ Đặng Thế Công đã là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không chỉ trong phạm vi họ Đặng mà còn là của cộng đồng dân cư các dân tộc trong vùng.
Đồng Ngọc Dưỡng



hodangvietnam

Tổng số bài gửi : 47
Join date : 26/02/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết